So với giai đoạn 2012-2016, giai đoạn 2017-2021 số hộ nông dân ở TP.HCM có thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm tăng mạnh.
Theo Hội Nông dân TPHCM, việc số hộ nông dân có thu nhập 1 tỷ đồng tăng mạnh là do TP đã ban thành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Và nhất là nỗ lực vươn lên làm giàu của nông dân.
Sau đợt dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và tiêu thụ, ông Trần Văn Tấn, chủ Trại trồng nấm Nghĩa Nhân (xã Nhơn Đức, Nhà Bè) đang tái cơ cấu lại hoạt động của trại.
Trại nấm này rộng 1.600m2 chuyên sản xuất nấm mối đen và bào ngư xám.
Theo ông Tấn, hiện mỗi ngày, trại thu hoạch khoảng 300kg nấm bào ngư xám và 20kg nấm mối đen. Nấm được thu hoạch và tiêu thụ hết trong ngày.
"Trại sản xuất nấm theo nhu cầu thị trường. Chúng tôi có thể sản xuất nhiều hơn nếu có đơn hàng", ông Tấn chia sẻ.
Cũng theo ông Tấn, mỗi năm trại có doanh thu hơn 2 tỷ đồng.
Ngoài ra, trại còn tạo việc làm cho 10 lao động địa phương, hỗ trợ phôi nấm và bao tiêu sản phẩm cho các hộ sản xuất.
Cũng như ông Tấn, anh Nguyễn Tấn Phong, chủ trại cá cảnh rộng 9ha tại xã Bình Lợi (Bình Chánh), đang khởi động xuất bán lại cá cảnh cho các mối lái sau dịch Covid-19.
Thị trường cá cảnh của anh Phong chủ yếu ở TP.HCM và một số tỉnh, thành lân cận. "Mỗi năm, 1ha nuôi cá cảnh thu về 500 - 600 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, tôi lời hơn 100 triệu đồng/ha", anh Phong bộc bạch.
Hiện trại chuyên nuôi cá cảnh và cung cấp giống, như: Koi, chép Nhật, nam dương...
Hiện, mỗi năm anh Phong nuôi 2 vụ nuôi cá cảnh. Mỗi vụ khoảng 4 tháng.
Mới đây, anh Phong đã đăng ký cho cá cảnh mình nuôi là sản phẩm tiêu biểu của TP năm 2021.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Phong còn tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên tại trại cá cảnh. Trung bình, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/người/tháng.
Anh Phong còn thành lập Tổ hợp tác nuôi cá cảnh Bình Lợi với 18 thành viên, diện tích hơn 15ha. Mỗi ngày, Tổ hợp tác xuất bán khoảng 300kg cá cảnh các loại.
Theo bà Phan Thị Thanh Công, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi, thời gian qua không những anh Phong mà cả Tổ hợp tác đều ăn nên, làm ra từ nghề sản xuất và kinh doanh cá cảnh.
Hội Nông dân TP.HCM đánh giá, so với giai đoạn 2012 - 2016, số hộ có mức thu nhập 500.000 triệu-1 tỷ đồng/người/năm tăng 58,11%. Số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/người/năm tăng 63,79%.
Số hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp TP giai đoạn 2017-2021 bình quân thu nhập đạt 333,98 triệu đồng/người/năm.
Đã có những hội viên nông dân thật sự tiêu biểu được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh, với 5 gương nông dân Việt Nam xuất sắc, 4 gương nhà khoa học được tôn vinh "Nhà khoa học của nhà nông"…
Trong đó, trong năm 2021, Hội Nông dân TP.HCM đề xuất Trung ương tôn vinh 2 gương nhà khoa học; UBND TP tuyên dương 70 gương nông dân tiêu biểu và tôn vinh 86 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu TP.
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều hộ hội viên, nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tìm tòi học hỏi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con giống mới.
Cụ thể, như: Mô hình nuôi cá koi của ông Nguyễn Thanh Phong (xã Bình Lợi, Chánh); mô hình trồng hoa lan của ông Huỳnh Tấn Thuận (xã Hưng Long, Bình Chánh);
Mô hình sản xuất hạt giống các loại của ông Huỳnh Đoàn Thông (xã Phạm Văn Cội, Củ Chi); mô hình nuôi cấy mô và trồng lan rừng của ông Bùi Văn Phụng (phường An Phú Đông, quận 12); mô hình trồng nấm của ông Trần Văn Tấn (xã Nhơn Đức, Nhà Bè)...
Theo bà Huỳnh Thị Kim Xuyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, để phát triển hơn nữa câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, Hội Nông dân TP kiến nghị TP ban hành quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp, như: vùng chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, vùng chim yến…
Kiến nghị Hội Nông dân trung ương có ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo hệ thống ngân hàng tăng hạn mức thời gian vay đối với các dự án vay vốn đầu tư công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Vì đầu tư đổi mới công nghệ đòi hỏi nguồn vốn rất lớn và thời gian thu hồi vốn cũng dài hơn so với các dự án khác.