10% người giàu nhất đã nắm giữ hơn một nửa lượng tài sản tại Việt Nam, trong khi nhóm 50% nghèo nhất chỉ nắm trong tay khoảng 5,6% tài sản.
Theo số liệu của Dữ liệu từ tổ chức World Inequality Database (WID), để lọt vào top 1% người giàu nhất Việt Nam trong năm 2021 chỉ cần có 814.776 USD (tương đương hơn 18,5 tỷ đồng), để lọt top 10% người giàu nhất là 181.132 USD (tương đương hơn 4,1 tỷ đồng). Tài sản trung bình của nhóm 50% người nghèo nhất chỉ đạt 3.429 USD (tương đương gần 78 triệu đồng).
10% người giàu nhất đã nắm giữ hơn một nửa lượng tài sản tại Việt Nam, trong khi nhóm 50% nghèo nhất chỉ nắm trong tay khoảng 5,6% tài sản.
Trong giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2021, tỷ lệ nắm giữ tài sản của ba nhóm trên đều không biến động nhiều. Theo đó, 25,5% đối với top 1%, 58,6% đối với top 10% người giàu nhất và gần 5,6% đối với nhóm 50% người nghèo nhất.
Dù đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp và nghèo đói, nhưng nó vẫn không thể làm sa sút khối tài sản của những người giàu.
Trong năm qua, số lượng tỷ phú USD của Việt Nam nhiều nhất lịch sử. Theo thống kê của Forbes đến cuối tháng 12/2021, Việt Nam có 6 tỷ phú USD với tổng tài sản đạt gần 20 tỷ USD, tăng gần 3 tỷ USD so với số liệu công bố đầu năm. Trước đó trong tháng 4, danh sách của Forbes cho thấy tổng tài sản của các tỷ phú Việt đạt 16,7 tỷ USD.
6 tỷ phú USD hiện tại của Việt Nam được Forbes nhắc tới gồm: Chủ tịch tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng có khối tài sản ròng 7,4 tỷ USD; Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long với khối tài sản ròng đạt 2,2 tỷ USD. Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh có tài sản ròng 2,6 tỷ USD. Tổng giám đốc VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo sở hữu khối tài sản ròng 2,8 tỷ USD. Và người giàu thứ 5 tại Việt Nam là Chủ tịch tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang khi có khối tài sản ròng đạt 2,2 tỷ USD. Trong khi chủ tịch HĐQT CTCP Trường Hải Trần Bá Dương và gia đình hiện có 1,6 tỷ USD tài sản ròng, theo Forbes.