Bán giấy '3 không' thu tiền thật: Khối rủi ro 500.000 tỷ đáng sợ

January 8, 2022

Tăng trưởng quá nhanh và quá nóng, những bất cập của thị trường trái phiếu DN ngày càng lộ rõ. Dự báo nền kinh tế có thể đối mặt với những rủi ro phát sinh trong giai đoạn 2022-2024, khi trái phiếu đến kỳ thanh toán.

Dễ dãi bán giấy thu tiền

Theo số liệu của các công ty chứng khoán, giá trị phát hành trái phiếu DN cả năm 2021 đạt trên 500.000 tỷ đồng, đưa tổng giá trị trái phiếu DN đang lưu hành lên con số gần 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 11,4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế và chiếm khoảng 14,5% GDP.

Trong số này, phát hành riêng lẻ chiếm gần 95%, tương đương với trên 470 tỷ đồng. Nhóm bất động sản có giá trị phát hành gần 200.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 38%. Nhóm ngân hàng đứng thứ hai, ngoài ra là chứng khoán, dịch vụ tiêu dùng, xây dựng, năng lượng, nông nghiệp…

Những DN bất động sản đưa ra mức lãi suất rất hấp dẫn từ 10,5% - 14%/năm, để thu hút nhà đầu tư. Trong bối cảnh ngân hàng siết chặt tín dụng, thì trái phiếu DN trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn ngày càng quan trọng với các DN bất động sản. Theo ước tính huy động từ trái phiếu DN, chiếm tới gần một nửa tổng số dư nợ vay của các DN bất động sản.

Theo quy định hiện hành, DN phát hành trái phiếu riêng lẻ, không cần thiết phải có xếp hạng tín nhiệm. Chính vì vậy, thời gian qua, trái phiếu “3 không”, gồm không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán, đã xuất hiện tràn lan trên thị trường.

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, trong số trái phiếu DN phát hành riêng lẻ, có tới một nửa không có tài sản đảm bảo, một nửa còn lại chủ yếu được đảm bảo bằng cổ phiếu của chính DN phát hành hoặc các dự án hình thành trong tương lai, vốn có tính biến động rất cao và giá trị khó định giá chính xác.

DN muốn vay vốn ngân hàng, phải có tài sản đảm bảo, phải có dự án và phương án kinh doanh có hiệu quả, phải chịu sự giám sát chặt chẽ về giải ngân… Trong khi phát hành trái phiếu DN riêng lẻ chẳng cần có tài sản đảm bảo, chẳng cần phải bảo lãnh, cứ đẩy lãi suất lên cao để “dụ” nhà đầu tư. Tiền thu về sử dụng như thế nào, có đúng mục đích không, hoàn toàn do DN tự quyết định, không bị giám sát. Do điều kiện phát hành khá dễ dãi, nên hàng loạt DN thua lỗ vẫn huy động thành công hàng ngàn tỷ đồng. Đây là lỗ hổng lớn.

Tại một diễn đàn mới đây, một chuyên gia đã chia sẻ câu chuyện, có DN nọ huy động vài ngàn tỷ đồng trái phiếu song chỉ vài trăm tỷ đồng được giải ngân đúng mục đích là cung cấp cho dự án, còn lại để trả nợ ngân hàng, mua dự án đất nông nghiệp… sau đó là hạch toán lỗ. Thậm chí, có những DN bất động sản đã lập riêng phòng kinh doanh, chuyên bán trái phiếu thay vì bán nhà, đất như trước kia.

Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim cho rằng, cũng giống như Trung Quốc, lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam, có không ít DN "thổi giá", "vẽ" dự án. Có những DN gọi vốn hàng nghìn tỷ đồng qua trái phiếu nhưng chỉ chi vài trăm tỷ cho các dự án, còn lại là trả nợ và đầu tư vào những thứ khác...

Rủi ro sắp đến?

Tăng trưởng quá nhanh và quá nóng, những bất cập của thị trường trái phiếu DN ngày càng lộ rõ. Vào cuối năm 2021, các cơ quan chức năng đã có hàng loạt các chỉ đạo về việc thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu DN. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, qua 1 đợt kiểm tra đã phát hiện ra trường hợp DN phát hành trái phiếu “chui”, có biểu hiện thiếu minh bạch về việc sử dụng vốn thu được, đã phối hợp với cơ quan công an để xử lý.

Điều đáng quan ngại là thời điểm đáo hạn của hầu hết trái phiếu DN ngày một đến gần. Theo công ty FiinGroup, tính riêng trái phiếu DN khối phi tài chính thì phân kỳ trả nợ giai đoạn 2022-2024 chiếm hơn 66%. Trong đó, năm 2022 chiếm 14,5%, năm 2023 chiếm 28,9% và năm 2024 chiếm 22,8%, với tổng số tiền hơn 500.000 tỷ đồng. Tức là trong vòng 3 năm các DN sẽ phải lo đủ số tiền 500.000 tỷ đồng trả nợ cho các trái chủ.

Cuối năm 2021 đã có một số trái phiếu DN đến thời điểm đáo hạn. Mặc dù khó khăn về tài chính nhưng không ảnh hưởng nhiều, do các DN dễ dàng phát hành trái phiếu để đảo nợ.

Tuy nhiên, điều này sẽ khó khăn hơn từ 2022. Thông tư số 16/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 15/1/2022, đã ngăn chặn các ngân hàng thương mại mua trái phiếu DN, để giúp các DN đảo nợ.

Tiếp nữa là Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu DN, sẽ thắt chặt điều kiện phát hành. Những DN không có tài sản đảm bảo, kinh doanh thua lỗ sẽ không được phát hành trái phiếu, nếu không xếp hạng tín nhiệm. Vì vậy, cơ hội bán giấy thu tiền sẽ không còn dễ dãi như trước. Điều này có thể sẽ khiến các DN gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn vốn để trả nợ cho các trái chủ, nếu hoạt động sản xuất kinh doanh không sáng sủa.

Theo các chuyên gia kinh tế, bất kỳ tăng trưởng “nóng” nào cũng dễ để lại những hậu quả khó lường. Bài học gần đây khi hàng loạt DN bất động sản của Trung Quốc bị vỡ nợ trái phiếu là minh chứng rõ nhất. Nhìn vào sự tăng trưởng “nóng” của thị trường trái phiếu DN trong 2 năm qua, dự báo nền kinh tế có thể đối mặt với những rủi ro phát sinh trong giai đoạn 2022-2024, khi trái phiếu đến kỳ thanh toán.

Chỉ cần một vài DN nhỏ vỡ nợ trái phiếu, cũng có thể lây lan nỗi sợ hãi và khiến niềm tin dành cho thị trường này sụt giảm nghiêm trọng. Nó có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tín dụng trong nền kinh tế.



Xem bài khác